0

“Giữ lửa” lò đúc đồng trăm năm giữa phồn hoa Sài Gòn

Nằm khuất cuối con đường nhỏ Nguyễn Duy Cung (quận Gò Vấp), làng nghề cổ An Hội tồn tại trăm năm vốn nức tiếng là địa chỉ sản xuất lư đồng truyền thống

  • Còn người mua, bếp còn đỏ lửa Mang tiếng là bà chủ nhưng khi gặp chúng tôi, Bà Phạm Thị Liên - cơ sở sản xuất lư đồng Ba Cồ - chẳng giấu giếm nổi cái vất vả của nghề với bộ quần áo dấp dính mồ hôi, vẻ mặt đăm chiêu suy tư. Bà vừa phải tiếp khách hàng, ghi đơn hàng, vừa phải quán xuyến mọi công đoạn trong xưởng, từ đắp cốt, bịt sáp, bít đất trấu, đổ đồng đến làm nguội, chạm khắc.
     
    lò đúc đồng
     
    “Khi tôi mới về làm dâu làng nghề An Hội, cả làng có đến hơn 50 hộ làm nghề đúc đồng truyền thống. Ngày đó, lư đồng An Hội nổi tiếng đến mức đi đến đâu cũng thấy người ta đúc lư đồng. Người lớn, trẻ con ai cũng bám riết lấy nghề. Ngày thường nhộn nhịp đã kể, những ngày giáp tết, người người mua mua bán bán, ra ra vào vào khiến cho không khí trong làng lúc nào cũng nhộn nhịp, tấp nập.Vậy mà theo thời gian, nghề cũng mai một đi nhiều. Đến giờ, làng cũng chỉ còn có 5 nhà giữ nghề” - Bà Liên hồi tưởng.

    Theo bà Liên, lý do người làng không làm nghề này nữa là vì nghề cực, cần nhiều nhân lực và mặt bằng rộng rãi, sản phẩm bán ra ngày càng khó. Nếu sở hữu mảnh đất hàng trăm mét vuông giữa thành phố đông đúc và đắt đỏ như Sài Gòn, người ta có thể xây nhà cho thuê hoặc kinh doanh kiếm lời sẽ dễ dàng hơn. Nhưng với bà không lẽ nào lại làm vậy: “Cha chồng tôi đặt hết tâm huyết vào nghề này. Chồng tôi cũng đã mất, tôi có trách nhiệm phải giữ nghề truyền thống cho bằng được. Còn người mua lư đồng là tôi còn làm, còn truyền nghề cho con cháu”.

    Cơ sở lư đồng của gia đình bà Liên đã tồn tại gần một thế kỷ. Từ khi An Hội nhà nhà làm lư đồng, người người làm lư đồng thì cha chồng bà Liên cũng theo học nghề rồi tự mở xưởng, truyền nghề lại cho ông Ba Cồ là chồng bà Liên. Bà liên “chân ướt chân ráo” về làm dâu cũng tranh thủ học nghề và nối nghề truyền thống này của gia đình chồng đã 25 năm nay. Chỉ vào người con trai cả, bà Liên tự hào khoe: “Thằng bé có khiếu và yêu nghề lắm, nó sẽ là người tiếp theo nối nghiệp của gia đình!”.

    Nghề của sự kiên trì, tỉ mỉ

    Cơ sở đúc đồng của bà Liên có đến hơn chục người thợ, có những người thợ gắn bó với nghề mấy chục năm ròng, bắt đầu với nghề từ khi còn là một cô bé, cậu bé. Không chỉ có kỹ thuật cao mà người thợ còn phải kiên trì, khéo léo. Mỗi người chỉ tập trung một khâu.

     
    lò đúc đông 2
     
    Một chiếc lư đồng thành phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn, công phu và tỉ mỉ. Đầu tiên là đắp khuôn ruột bằng đất. Đất phải là đất sét tốt, chịu được nhiệt. Đất sét tuyển chọn kỹ lưỡng này sẽ được người thợ giã nhuyễn trộn với nước cho thật dẻo để dễ dàng nặn theo hình mẫu từ trước. Sau khâu làm khuôn là khâu bịt sáp. Người thợ bít một lớp sáp đèn cầy trộn với sáp ong bít sát khuôn đất. Khâu này đòi hỏi người thợ phải làm đều tay, khéo léo. Bởi lẽ, lớp sáp bám vào khuôn sẽ quyết định độ dày mỏng và hình dáng của lớp đồng thau được đổ vào. Tiếp đến, khuôn lại được chuyển cho người thợ khác đắp một lớp đất trộn với trấu bên ngoài khuôn sáp.

    Nếu khâu đắp khuôn đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ thì khâu đổ đồng lại cần sự khéo léo, nguyên tắc hơn hẳn. Khâu này quan trọng nhất đòi hỏi thợ giỏi, nhiều kinh nghiệm vì phải canh thời gian nấu đồng rất kỹ, phải phối hợp ăn ý thợ móc khuôn từ hầm nung và thợ múc đồng từ chảo đổ vào khuôn. Đồng sử dụng phải là đồng thau được người chủ lựa chọn kỹ càng, được người thợ nấu bằng dầu hỏa cho nóng chảy và khéo léo đổ vào khuôn qua hai lỗ nhỏ được tạo dáng từ trước.

    Sau khi đồng thau đã trở về dạng rắn, người ta đập bỏ
    khuôn đất để chuyển sang khâu làm nguội, gồm các công đoạn xả cát để chiếc lư đồng có được những đường cong cơ bản. Những chỗ lư đồng bị khuyết thì được chuyển đến người thợ hàn, hàn lại cho đầy đặn. Sau cùng, lư đồng sẽ được chạm khắc, trang trí hoa văn và đánh bóng.

    Bà Liên tâm sự, suốt 25 năm qua theo nghề từ gia đình chồng, khâu nào bà không rành rẽ thì cũng phải biết “chút đỉnh” để có thể chia sẻ công việc cùng những người thợ trong xưởng. Bà tự nhận mình may mắn vì có được những người thợ khéo léo, tâm huyết, có những người gắn bó với công việc trong xưởng từ khi bà mới về làm dâu. Bà và họ cùng đi qua thời gian, cùng trưởng thành với nghề và cùng… già đi nơi
    xưởng đúc đồng
    . Hỏi bà có buồn tẻ không? Bà cười rồi nhẹ nhàng hỏi lại: “Có bao giờ cô gái cảm thấy buồn tẻ khi sống chung với một người mình rất yêu chưa?”.

    Truyền giữ “lửa” nghề

    Lư đồng được tạo ra bằng đôi tay khéo léo của người thợ. Họ không gấp gáp, không vội vã nhưng nhanh nhẹn như cách nói vui của những người thợ lành nghề trong xưởng của bà Liên - “Tự nhiên mình làm nhanh như vậy đó, không biết cách nào hãm cho đôi tay chậm hơn nữa”.

     
    lò đúc đồng 4

    Bà Trinh vốn gắn bó hơn 15 năm với cơ sở đúc đồng Ba Cồ. Công việc của bà có thể xem là nhẹ nhàng nhất trong các công đoạn làm lư đồng - đắp khuôn đất. Bàn tay bà mềm mại cuộn từng miếng đất dẻo, thoăn thoắt đắp thành từng chiếc khuôn đất bao bọc bên ngoài lớp sáp. Công việc đắp đất mà trông cứ thanh thản, nhẹ nhàng như thực hiện một động tác múa. Kế đó, bà Thủy đang tỉ mẩn với công việc “tắm bùn” cho khuôn đất. Đất sét được trộn với tro trấu pha loãng để “tắm” cho khuôn khi đổ đồng nóng chảy vào sẽ không bị rỉ. Bà Thủy chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề cũng đến hơn 15 năm. Ban đầu làm cũng thấy cực lắm. Công đoạn của tôi cũng giống như người nông dân, suốt ngày quen với bùn đất. Ấy vậy mà càng gắn bó lại càng yêu sản phẩm mình đang làm, như kiểu người nông dân quen mùi đất, không xa được làng quê vậy”.

    Ông Hoàng Nam hơn 40 tuổi đời nhưng đã có 23 năm gắn bó với
    xưởng đúc đồng Ba Cồ. Suốt 23 năm qua, ông làm công việc chạm khắc, trang trí cho những chiếc lư đồng được hoàn thiện. Tay phải ông cầm búa, rắn chắc và khỏe khoắn, tay trái lại thoăn thoắt uyển chuyển di chuyển chiếc đục trên nền lư đồng để tạo thành hình hoa văn mềm mại những rồng phụng, phúc lộc thọ hay cành trúc, cành mai… chẳng cần một nét bút phác thảo. Ông cười hề hề: “Làm quen rồi, giờ muốn gặp sự cố đập búa vào tay cũng khó, chắc phải làm vài xị rượu cho hoa mắt run tay mới được”.
Logo đối tác
Logo đối tác
Logo đối tác
Logo đối tác
Logo đối tác
Logo đối tác
Logo đối tác
Logo đối tác
Logo đối tác
Logo đối tác
0985 128 009